Thân thế và cuộc sống ban đầu Tống_Lý_Tông

Thuở thiếu thời

Triệu Dữ Cử là cháu đời thứ 10 của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận, chào đời vào ngày Quý Hợi tháng giêng (26 tháng 1) năm nguyên niên Khai Hi (1205) thời Tống Ninh Tông tại ấp Trung Hồng, huyện Sơn Âm, phủ Thiệu Hưng[1]. Phụ thân ông là Triệu Hi Lư, về sau truy phong là Vinh Văn Cung vương Triệu Hi Lư, mẹ là Toàn thị. Hy Lư là con của Triệu Quốc công Triệu Sư Ý (赵师意), Sư Ý là con của Ích Quốc công Triệu Bá Ngộ (赵伯旿), Bá Ngộ là con Ngô Quốc công Triệu Tử Thích (赵子奭), Tử Thích là con Phòng Quốc công Triệu Lệnh Giá (趙令稼), Lệnh Giá là con Gia Quốc công Triệu Thế Quát (趙世括), Thế Quát là con Lư Giang hầu Triệu Thủ Độ (趙守度), Thủ Độ là con Ký vương Triệu Duy Cát (趙惟吉), Duy Cát là con Yên Ý vương Triệu Đức Chiêu (趙德昭), Đức Chiêu là con trai thứ hai của Tống Thái Tổ, do con trai trưởng của Thái Tổ là Đằng vương Triệu Đức Tú mất sớm khi còn nhỏ và không có hậu duệ, nên Đức Chiêu là người đáng lý sẽ được chọn làm trữ quân của Thái Tổ trong tương lai. Nhưng do xưa kia Thái Tổ theo di huấn của thái hậu, nhường ngôi cho Thái Tông nên Đức Chiêu dù đã trưởng thành và rất tài năng (văn võ song toàn) lại thêm được cái đại thần trong triều, nhất là đại thần Triệu Phổ (cánh tay phải đắc lực của Thái Tổ bấy giờ) đánh giá cao cũng không được vua cha lập làm Thái tử mà chỉ được ban tước vị Yên vương. Thái Tông lên ngôi, liền tìm cớ giết hại con cháu Thái Tổ để có thể nhường ngôi cho con cháu của mình, Triệu Đức Chiêu cũng đã bị bức tử vào năm 979. Các hoàng đế về sau của nhà Bắc Tống đều là hậu duệ của Tống Thái Tông, còn các hoàng đế về sau của nhà Nam Tống (trừ Tống Cao Tông) đều là hậu duệ của Tống Thái Tổ. Triệu Dữ Cử là hậu duệ dòng trưởng chính thống trực hệ của Thái Tổ, nếu đem đối chiếu với phả hệ của hoàng tộc Triệu thị thì Dữ Cử là cháu họ của Ninh Tông và gọi Ninh Tông bằng chú. Nhưng nếu xét về khía cạnh chính thống theo đạo lý trong Nho giáo thời phong kiến thì Triệu Dữ Cử có quyền thừa kế hợp pháp hơn nhiều so với dòng dõi của Tống Ninh Tông vì tổ tiên ông là dòng trưởng của Thái Tổ.

Lúc Dữ Cử chào đời là vào buổi tối nhưng lại có năm đạo hào quang ngũ sắc từ trong nhà vụt ra, sáng như ban ngày[1]. Chào đời được ba ngày thì gia nhân nghe thấy bên ngoài có tiếng huyên náo của xa ngựa, nhưng khi ra xem thì chẳng thấy gì. Lúc Dữ Cử còn nhỏ ở trong buồng kín bỗng thấy có luồng sáng xuất hiện như ban ngày, mọi người nhìn vào đứa trẻ thì thấy giống như long, lân. Có người đến đoán mệnh, nói rằng Dữ Cử về sau hiển quý không biết bao nhiêu mà kể, mà người em là Dữ Nhuế cũng rất phi phàm[1].

Hậu tự phủ Nghi vương

Khi đó cháu Tống Hiếu Tông là Nghi Tĩnh Huệ vương Triệu Bính qua đời mà không có con. Ninh Tông lấy người trong tông thất là con của Hi Cù, ban tên là Quý Hòa để làm hậu tự cho Nghi vương. Tháng 8 năm 1220, Cảnh Hiến thái tử Triệu Tuân qua đời[2][3]. Ninh Tông căn cứ theo chuyện Cao Tông chọn Hiếu Tông xưa kia, cho tuyển khoảng 10 trẻ trong tông thất, tuổi khoảng 15 vào cung để chọn. Cuối cùng thì quyết định lập Quý Hòa làm hoàng tử vào ngày Bính Dần tháng 6 năm 1221, tiến phong Kì Quốc công[4]. Nhưng như thế thì Nghi vương không có người kế vị. Bấy giờ trong triều, đại quyền nằm trong tay Hữu thừa tướng Sử Di Viễn. Khi đó có Dư Thiên Tích là môn khách trong nhà Di Viễn, tính tình cẩn trọng, được Di Viễn trọng dụng. Di Viễn không hài lòng với ngôi vị của hoàng tử Hoành, muốn dựng người khác lên, nên giả tiếng tìm hậu tự cho Nghi vương để thực hiện ý đồ của mình. Di Viễn sai Thiên Tích qua Thiệu Hưng nên tìm người nào hiền tài trong tông thất để làm người nối dõi cho Nghi vương.

Thiên Tích qua Việt Tây Môn thì trời đổ mưa, phải trú ở nhà ông ngoại Dữ Cử là Toàn Bảo Trường. Bảo Trường biết đó là môn khách của Sử thừa tướng nên phải hậu đãi. Thiên Tích thấy có hai đứa trẻ đứng hầu bên Bảo Trường, mới hỏi là ai, Bảo Trường đáp là hai đứa cháu ngoại Dữ Cử, Dữ Nhuế và kể về sự lạ trong lúc Dữ Cử chào đời. Thiên Tích về Lâm An, báo với Di Viễn. Di Viễn bảo Thiên Tích đem hai trẻ về kinh. Bảo Trường biết là phú quý đã đến, nên bán ruộng để sắm sửa hành lý và mướn người hộ tống hai cháu về kinh. Di Viễn thấy anh em Dữ Cử thì rất mừng nhưng sợ việc bị lộ ra nên mới cho về nhà Bảo Trường[4]. Bảo Trường rất thất vọng, người trong thôn nhân dịp cười nhạo. Đến mấy năm sau Di Viễn lại triệu hai trẻ đến, Bảo Trường không muốn đưa đi nữa. Di Viễn nhờ Thiên Tích thuyết phục, Bảo Trường mới cho Dữ Cử đến Lâm An lần nữa. Di Viễn tấu xin Ninh Tông lấy Dữ Cử làm hậu tự cho Nghi vương, phong chức Bỉnh Nghĩa lang, đến tháng 9 thì lập làm Nghi vương hậu tự. Năm đó ông 17 tuổi. Quý Thành trầm tĩnh, ít nói, lại ham học. Mỗi lần vào dự triều tham hoặc dự yến trong cung đều khăn áo tề chỉnh trong khi người khác cười nói vui vẻ. Mỗi khi vào yết kiến thì tỏ ra biết lễ nghi, Sử Di Viễn thấy thế thì thầm khen ngợi[4]. Ngày Giáp Tử tháng 8, phong Giám Môn Vệ đại tướng quân, ban tên là Quý Thành. Ngày Đinh Tị tháng 5 năm Gia Định 15 (1222) lấy làm Kiểm giáo thiếu bảo, phong Tế quốc công. Ngày Kỉ Mùi tiến phong Tế châu phòng ngự sử[1].

Bất ngờ được lên ngôi

Lúc bấy giờ Sử Di Viễn, trong cung có Dương hậu chống lưng, bên ngoài phe cánh đầy triều, tha hồ tiếm đoạt quyền hành, muốn làm gì thì làm, muốn giết ai thì giết. Hoàng tử Hoành không vừa ý, có lời chê trách. Di Viễn biết được, liền bỏ tiền mua một ca kĩ dâng tặng hoàng tử để dò xét động tĩnh. Cuối cùng Di Viễn biết được rằng, hoàng tử thường ghi lại mấy tội ác của Di Viễn và Dương hoàng hậu, còn nói toạc ra rằng về sai sẽ đày Di Viễn đi suốt 8000 dặm, ra Ân châu[5]. Di Viễn kinh hoàng và từ đó muốn phế hoàng tử Hoành. Một dịp nhân ngày Di Viễn lên chùa cầu siêu cho phụ thân[6], có Quốc tử học lục Trịnh Thanh Chi là thầy của Quý Thành đến dự. Di Viễn mời Thanh Chi đến phủ, tiết lộ ý định phế lập của mình. Hằng ngày Thanh Chi dạy Quý Thành làm văn, học tập ngự thư của Cao Tông. Quý Thành tư chất vốn thông minh nên học một hiểu mười. Thanh Chi đưa những bài văn của Quý Thành cho Di Viễn xem. Di Viễn ca ngợi tài năng của Quý Thành và chê bai hoàng tử Hồng trước mặt Ninh Tông.

Từ ngày Bính Tuất tháng 8 năm thứ 17 (1224), Ninh Tông bị bệnh và từ đó không lên triều. Sử Di Viễn sai Trịnh Thanh Chi đến phủ Nghi vương báo về việc phế lập, Quý Thành im lặng không đáp. Thanh Chi nói

Sử Thừa tướng thấy Thanh Chi là bạn nhiều năm nên mới nói lời tận đáy lòng. Mà nay không nói lời nào thì Thanh Chi biết ăn nói thế nào với thừa tướng.

Quý Thành mới nói

Thiệu Hưng vẫn còn lão mẫu[7].

Thanh Chi đem việc đó nói với Di Viễn, cả hai hết lời khâm phục[4]. Ngày Nhâm Thìn, bệnh của đế trở nặng. Sử Di Viễn giả mạo di chiếu lập Quý Thành làm hoàng tử, ban tên là Quân, phong Vũ Thái quân tiết độ sứ, tước Thành quốc công[1]. Ngày Đinh Dậu tháng nhuận (18 tháng 9 năm 1224), Ninh Tông băng ở điện Phúc Ninh. Di Viễn sai hai cháu của Dương hoàng hậuDương Cốc, Dương Thạch vào báo việc phế lập. Hậu thất kinh, nói

Hoàng tử Hoành do tiên đế đích thân chọn lựa, sao có thể dễ dàng thay đổi.

Và nhất quyết không chịu. Dương Cốc phủ phục dưới đất, nói

Quân dân trong ngoài đều thuận theo, nếu không lập thì tắc sinh biến loạn, Dương thị chỉ e sẽ bị họa tru di mà thôi.

Hoàng hậu chần chừ một lát nữa, mới hỏi người đó ở đâu. Di Viễn nói với Quý Thành

Nay người phải nhớ kĩ mình là hoàng tử của Nghi Tĩnh Huệ vương, không phải hoàng tử của hoàng đế, nhầm lẫn thì sẽ bị trảm đấy.

Hoàng tử Quân vào cung yết kiến, hậu nói

Hôm nay ngươi chính là con của ta rồi.

Di Viễn dẫn quân tới nội điện, cho hoàng tử Quân lạy trước linh cữu. Lễ xong mới triệu hoàng tử Hoành. Hoành thấy lệnh đến chậm đã sinh nghi, nhưng cuối cùng cũng theo vào cung. Di Viễn bố trí vệ sĩ giữ hết tùy tùng của hoàng tử không cho đi theo và bảo Hạ Chấn trông coi hoàng tử cẩn thận. Hoàng tử thấy mình vẫn phải đứng ở chỗ cũ nghe di chiếu nên lo lắng. Bỗng thấy trên điện có một vị thiên tử, bước lên ngai rồng và tuyên chiếu lên ngôi. Chiếu tuyên xong, các quan đều quỳ bái. Hoàng tử Hoành không chịu quỳ, nhưng bị Hạ Chấn thúc ép nên phải quỳ. Hoàng tử Quân nối ngôi, tức là Tống Lý Tông. Phong hoàng tử Hoành làm Tế Dương quận vương, Khai phủ nghi đồng tam ti; rồi đổi làm Tế vương ra phủ Hồ châu[4]. Tôn Dương hậu làm hoàng thái hậu, buông rèm nghe chính. Theo cố sự những năm Thuần Hi, Lý Tông ở trong cung phục tang ba năm.